Đất Thủ những ngày thực hiện chỉ thị 16, giãn cách xã hội, đường phố vắng, khoác lên mình vẻ yên tĩnh đến lạ. Đất Thủ đang nghỉ ngơi sao? Không đâu! Mới đầu tôi có chút không quen, có cảm giác “thèm” cái không khí sôi động thường ngày. Những con đường tấp nập xe cộ, khu chợ đêm trên tuyến đường Bạch Đằng chẳng khác gì Đà Lạt thu nhỏ. Ấy vậy mà, dịch Covid -19 đến, mọi thứ đã khác. Nhìn cảnh tượng ấy có ai không chạnh lòng cho được.
Nhưng không, sau vẻ yên tĩnh của những tuyến đường, đó là nhịp sống mới lan tỏa khắp mọi nơi mà chúng ta cần phải thích ứng. Sống sao cho đúng với trách nhiệm của mình! Có người nghĩ “Ở yên một chỗ, nâng cao ý thức tự bảo vệ là góp phần chống dịch”, suy nghĩ này đúng với khẩu hiệu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”, có người sẵn sàng đến với tuyến đầu chống dịch vì họ nghĩ “Người khác làm được mình cũng có thể làm được” hay “Có biết bao người từ miền Bắc xa xôi còn có thể vào tiếp tế, lẽ nào mình ở đây lại không thể góp sức”… Dù là suy nghĩ, hành động nào thì tất cả cũng đang góp phần công sức bé nhỏ của mình vào việc chống dịch.
Xung quanh ta có biết bao tấm gương, hành động đẹp. Người mà tôi muốn nhắc đến là thầy Đống Hữu Đạt – giáo viên Trường THCS Chánh Nghĩa, thành viên Hội từ thiện Sen Vàng. Nhắc đến thầy hẳn nhiều người đã rõ. Thầy từng biết đến với chức danh Tổng phụ trách Đội nổi tiếng một thời. Phong cách làm việc nghiêm túc, vui vẻ, sáng tạo, ai cũng cảm mến. Tôi nhớ tiếng hô “Nghiêm!” của thầy có sức vang mạnh mẽ, tất cả đồng loạt răm rắp thực hiện. Tiếng vang đó lại toát ra từ tầm vóc nhỏ nhắn, dáng người nhanh nhẹn và hơn hết là xuất phát từ tâm huyết hết mình của thầy. Một người có tâm hướng thiện. Với thầy làm từ thiện, giúp đỡ người là lẽ sống. Bao mảnh đời bất hạnh đã được thầy giúp đỡ mà vươn lên. Trong đợt dịch này, nhóm từ thiện của thầy làm việc càng nhiều hơn.Thầy đã chia sẻ hơn 200 phần quà dành cho giáo viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố Thủ Dầu Một. Những chuyến xe rau, củ, quả…tươi ngon từ Đà Lạt được chuyển đến cho người dân ở vùng bị cách li. Ấm áp biết bao! Nhưng khi ai đó cảm ơn thầy lại khiêm tốn nói: “Không có chi đâu cô”, “Không có chi đâu ạ”, “cùng là giáo viên mà”… Tôi xin phép được viết về thầy, thầy nói: “Ngại lắm cô ơi, có đáng gì đâu mà viết, còn nhiều người khác xứng đáng hơn”… Câu nói của thầy càng khiến tôi ấn tượng “Mong mọi sự bình an”. Vậy đó một người con của đất Thủ đủ làm nên giá trị nhân văn, có sức lan tỏa yêu thương đến mọi người!
Rõ ràng đất Thủ luôn có những con người nhiệt huyết. Một tấm gương nữa làm tôi cảm phục. Đấy là em học sinh Nguyễn quốc Huy lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Nhà Huy ở kế bên nhà tôi (18 D5 khu Dân cư Hiệp Thành I, phường Hiệp Thành). Do cách li nên tôi chỉ ở trong nhà, sáng hôm ấy, mở cửa tưới cây tôi ngạc nhiên khi thấy Huy mặc đồ dân quân đi làm. Tôi hỏi và hay Huy đang đứng chốt tại Trường Tiểu học Hiệp Thành. Thật là tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Trong khi đó có những bạn cùng trang lứa chỉ biết là “anh hùng bàn phím” thì Huy lại sẵn sàng góp sức cho phường Hiệp Thành. Sự hoạt bát, cách nói năng từ tốn hay nét cười trông thật đáng yêu! Tôi hỏi: “Thế đứng chốt con có mệt không?” Huy cười đáp: “Cô ơi, mệt gì ạ! Con vui vì được làm việc.” … Đúng rồi! được làm việc là một niềm vui, là niềm hạnh phúc. Nhất là làm việc vì cộng đồng thì càng đáng quý hơn!
Chứng kiến những người như thế, tôi thấy cuộc đời thật đẹp, thật ý nghĩa! Tôi mong sẽ có nhiều người nêu cao ý thức chống dịch hơn nữa. Vì hơn bất cứ lúc nào chúng ta đang rất cần những tấm lòng, sự chung tay, góp sức của mọi người cho đất Thủ. Vẫn là câu nói: “Trách nhiệm không của riêng ai”!
Tác giả: Cô Nguyễn Thị Tiếp – Trường THCS Chánh Nghĩa
Chúng tôi trên mạng xã hội